TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

Người Bạn Của Ba Tôi

Tác giả: Thanh Huyền
Thể loại: Truyện ngắn

Lời Tòa Soạn: Trong công cuộc chiến đấu bảo vệ miền đất tự do gần 1/ 4 thế kỷ, đã có biết bao nhiêu chiến sĩ dũng cảm hy sinh, trong đó không ít những chiến sĩ Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Tuy nhiên, có một điều hết sức trớ trêu là những chiến công của họ gần như bị quên lãng như chính bản thân của họ đã bị quên lãng trong suốt chiều dài của cuộc chiến. Bài viết sau đây tác giả không có một tham vọng nào trong việc đòi hỏi những công bằng mà chỉ thuần túy là thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến những hy sinh cao cả của các chiến sĩ nông thôn mà ít nhiều tác giả đã cảm nhận. Xin thành thật tạ ơn đến các chiến sĩ Nghĩa Quân thuộc tiểu khu Châu Đốc nơi tác giả đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong khói lửa. Xin chấp tay nguyện cầu vong linh cố Trung Đội trưởng Nghĩa Quân CHĐ 160, người đã chiến đấu đến giờ phút 100 của cuộc chiến bên cạnh Ba Tôi.

Đầu năm 1964, Ba Tôi được chỉ định giữ chức Chủ tịch xã Khánh Hoà (sau này là Xã trưởng) thuộc quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc thay thế vị tiền nhiệm buộc phải ra đi theo sự cáo chung của nên Đệ Nhất Cộng Hòa.
Xã Khánh Hòa là một xã cù lao nằm đầu nguồn Sông Hậu, chỉ cách tỉnh lỵ Châu Đốc khoảng 5 km đường chim bay. Khánh Hòa là một xã rất sung túc với bốn mùa cây xanh trĩu quả và dân cư đông đúc, mật độ dân số đứng vào hàng thứ 5/57 xã thuộc tỉnh Châu Đốc, diện tích vào khoảng 20 km2, hầu hết cư dân trong xã chuyên về nông nghiệp, đặc biệt ấp Katambong, người dân tộc Chàm sống bằng nghề chài lưới và dệt vải, có đến 95% là tín đổ Phật Giáo Hòa Hảo; đây là yếu tố then chốt và vững chắc cho sự an ninh trong suốt thời gia Ba Tôi điều hành guồng máy hành chính tại đây (1964- 1975).
Tôi đã biết ông mà gia đình tôi thân thương gọi là Chú khi Chú còn là thuộc cấp của Ba Tôi trong lực lượng Bảo An Hòa Hảo lúc tôi còn rất nhỏ khi mà lực lượng này được đồng hóa sang Quân Đội Quốc Gia với tên gọi Dân Vệ Đoàn, lúc ấy Chú đang giữ chức trung đội trưởng và chỉ thời gian ngắn lực lượng Dân Vệ Đoàn được cải danh thành Nghĩa Quân theo đà lớn mạnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lúc bấy giờ, Chú chánh thức được đề cử giữ chúc vụ trung đội trưởng Nghĩa Quân CHĐ 160 và bắt đầu gắn liền với Ba Tôi trong suốt 11 năm và trung đội trưởng Nghĩa Quân Phạm Lương Dơn là một ngôi sao sáng, là một niềm tin lớn cho xã Khánh Hòa trong công cuộc bảo quốc an dân.
Lần đầu tiên tôi thấy chú trong cương vị một cấp chỉ huy với áo giáp, nón sắt và súng trận cùng với các chiến sĩ Nghĩa Quân của đơn vị có nhiệm vụ giữ gìn an ninh cho Thiếu tá Lý Bá Phẩm, tỉnh trưởng Châu Đốc, đến cắt băng khánh thành trường tiểu học cộng đồng Khánh Hòa "A", ngôi trường mà tôi đã gắn liền suốt thời thơ ấu từ lớp Năm đến lớp Nhứt (lớp 1- lớp 5). Hôm nay, tôi cùng hai người bạn là Thái Thị Tiển và Nguyễn Văn Đấu có mặt tại trường trong nhóm học sinh lớp Nhứt thuộc toán chào cờ danh dự. Tôi rất tự hào với các bạn vì lát nữa đây cả ba chúng tôi đều được nhận phần thưởng danh dự khi chúng tôi vừa trúng tuyển vào Đệ Thất trường trung học công lập Thủ Khoa Nghĩa.
Trong thời gian chờ đợi các vị quan khách đến khán đài danh dự, tôi thấy Chú như con thoi, thoạt đây thoạt đó. Bộ đồ trận của Chú đã ướt đẫm mồ hôi nhưng với gương mặt cương nghị phảng phất nét tự tin, tôi thấy Chú nổi bật trong hàng quân. Chú đã sát cánh cùng Ba Tôi không biết tự lúc nào của buổi lễ nhưng hiện tại trong khu vực lễ đài, Chú và Ba Tôi như hình với bóng. Có thể nói đây là lần đầu tiên tôi thấy Chú và rất nể phục Chú đúng nghĩa. Lúc ấy tôi vừa tròn 11 tuổi, lứa tuổi non nớt chưa biết nhận xét nhiều về những người lính. Tuy nhiên hình ảnh của Chú đã là dấu ấn trong đời tôi bắt đầu bằng sự ngưỡng mộ.
Năm 1967, vì phải xa nhà trọ học nên tôi ít có dịp gần gũi Chú nhiều, nhứt là tình hình chiến sự bắt đầu dao động. Xã Khánh Hòa có thêm một trung đội Nghĩa Quân về tăng cường vì địa bàn của xã quá rộng. Trong dịp nghỉ hè, tại buổi cơm chiều, Ba Tôi lại nhắc đến Chú: "Thật tội nghiệp Chú Dơn, Ba để Chú ở gần Ba để anh em gần gũi và nhứt là phần an ninh trung đội của Chú chịu trách nhiệm ba ấp Khánh Hòa, Khánh An và Katambong rất nhàn hạ vì cặp đường liên tỉnh số 10 (Long Xuyên - Châu Đốc) nhưng Chú không chịu, mà Chú muốn phụ trách 3 ấp Khánh Lợi, Khánh Thuận và Khánh Bình. Đây là mặt an ninh rất quan trọng, có thể án ngữ và chặn đường tiếp tế của tỉnh đội Long Châu Hà từ kinh Thần Nông vượt sông băng qua Bảy Núi và về Hà Tiên. Ba biết về bên đó rất nguy hiểm vì địa bàn hoạt động rất dài mà quân số của Chú chưa quá 40 người nhưng Chú đã quyết nên Ba không thể từ chối và chỉ khuyên Chú nên cẩn thận"
Đầu năm 1967, để chặn đứng những đợt tiếp tế của Cộng quân từ kinh Thần Nông về vùng Bảy Núi, chi khu Châu Phú quyết định lập đồn Đường Giồng với đơn vị đồn trú cấp số đại đội. Tuy nhiên vì nhu cầu chiến sự, đơn vị này chỉ đóng quân một thời gian ngắn và sau đó giao lại cho xã. Trước tình thế cấp bách và cũng để giữ vững an ninh trục lộ huyết mạch, trung đội Nghĩa Quân CHĐ 160 do Chú chỉ huy được điều động đến đồn trú tại đây. Với quân số hạn hẹp song tầm hoạt động của đơn vị quá rộng khiến Chú vất vả lại càng vất vả thêm. Tuy nhiên với tinh thần chiến đấu cao độ, cộng thêm ý chí quật cường của người Bảo An Hòa Hảo Dân Xã, Chú luôn luôn hoàn thành trách nhiệm được giao phó. Chú đã lợi dụng địa hình đã quen thuộc, bẻ gãy những cuộc chuyển quân và tiếp tế lương thực bằng những đợt phục kích đầy hiệu quả. Trong giai đoạn này, Chú đã hai lần được ân thưởng huy chương một đồng, một bạc và được tuyên dương công trạng trước Trung Đoàn.
Tháng 5 năm 1968, trong đợt tổng công kích đợt hai Mậu Thân, đơn vị của Chú bị tấn công và vây hãm suốt hai ngày đêm với quân số cấp đại đội nhưng Cộng quân không chiếm được đồn mặc dù Chú vỏn vẹn có hơn 30 tay súng, trước khi bị đẩy lui bởi các đơn vị Địa Phương Quân. Cuộc chiến được đánh dấu bằng hằng trăm ngôi nhà của người dân vô tội ấp Khánh Thuận biến thành những đống tro tàn bên cạnh gần một tiểu đội xác chết của lực lượng cơ động tỉnh Long Châu Hà phơi thây. Trong chiến thắng vinh quang này Chú đã vĩnh viễn chia tay hai người đồng đội đã một thời vào sinh ra tử cùng Chú và Ba Tôi. Ba Tôi đã có mặt bên Chú như muốn chỉa sẻ những gì Chú đã làm trong niềm kiêu hãnh. Chú vẫn oai hùng như những cấp chỉ huy oai hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Thời gian trôi nhanh cùng lúc chiến tranh ngày càng ác liệt. Đã có biết bao nhiêu vành khăn tang được quấn lên đầu người thiếu phụ, đã có biết bao nhiêu giọt nước mắt của các bà mẹ khóc tiễn biệt những đứa con thân yêu vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đất mẹ. Tôi cũng như bao thanh niên khác đáp lời Tổ Quốc lâm nguy đã rời ghế nhà trường vào tháng 9.1972 và kể từ đó tôi không còn biết nhiều về Chú và rất ít có dịp trở lại quê cũ mặc dù nơi đây tôi rất có nhiều kỷ niệm. Làm sao tôi quên được ngôi đình làng quê tôi, làm sao tôi quên được ngôi trường đã gắn liền với tôi thời thơ ấu. Làm sao tôi quên được văn phòng Ủy Ban Hành Chánh xã nơi Ba Tôi làm việc. Làm sao tôi quên được ngôi chùa Châu Khánh Tự với những tiếng chuông ngân nga bay trong gió. Dòng Sông Hậu vẫn lững lờ trôi, hình ảnh quê hương trong tôi ở xã Khánh Hòa vẫn còn đó nhưng giờ đã thật xa.
Những đợt về phép vội vã trong những bữa cơm đoàn tụ, tôi có dịp hỏi Ba Tôi về Chú và được biết Chú vẫn bình an và luôn chiến đấu cạnh Ba Tôi mặc dù chiến sự mỗi lúc một gay go và khốc liệt. Ba Tôi luôn hãnh diện vì có một người bạn thân, một chiến sĩ gan lì như Chú.
Nhưng rồi tai ương dân tộc đã đến, vận nước đến lúc sang trang. Tháng Tư ập đến bao trùm tang tóc. Tôi và gia đình cùng đồng bào cả nước trong đó có Chú phải ngậm ngùi cho số phận. Trong những giờ phút hỗn loạn của cuộc đời, Ba Tôi và Chú chỉ một lần liên lạc qua tần số PRC 25 vào lúc 3 giờ chiều ngày 30.4.1975. Đây là lần cuối cùng để rồi Ba Tôi và Chú không còn gặp nhau. Ba Tôi vào trại cải tạo, còn Chú rong rỗi trên bước đường kháng chiến.
Cùng với hàng trăn quân công cán chính, tôi và Ba Tôi phải ngậm ngùi nuốt lệ trong các trại cải tạo. Ba Tôi lần lượt nếm mùi từ Chi Lăng, Trà Ten, Giang Thành đến Đồng Tràm, kinh Tám Ngàn. Mẹ tôi phải vai xách nách mang thăm chồng, nuôi con qua những ngày tháng đen tối của cuộc đời. Dù dễ thở hơn Ba Tôi nhưng thân phận kiếp lưu đày, tôi không làm sao ngăn được dòng nước mắt. Tôi khóc cho Ba Tôi thân già phải lao tù vất vả, khóc cho Chú giờ này đang ở đâu? Mặc dù với ý chí kiên cường bất khuất song chiến đấu đơn độc liệu Chú có được bình an không? Hàng đêm những giọt nước mắt luôn lăn dài trên má, tôi khóc cho quê hương tôi sao phải chịu bao cảnh lầm than. Những đợt thăm nuôi tuy thời gian ngắn ngủi nhưng Ba Tôi vẫn nhắc nhở về Chú. Riêng tôi luôn nguyện cầu với Tổ Thầy cho Chú luôn bình an.
Tháng 12 năm 1977, tôi được ra trại sau 2 năm cải tạo tại Chi Lăng và lao động tại nông trường Sông hậu. Trở về quê với tấm thân quằn quại theo số phận; giờ thì mẹ tôi đã già trước tuổi, những năm tháng cơ cực thân cò giờ gia đình tôi chẳng có gì quí giá ngoài những bộ xương biết di động. Mẹ tôi vẫn tất bật cho những chuyến đi thăm nuôi Ba Tôi khi có được phép. Tôi lại phải mỗi tháng một lần đến ủy ban nhân dân xã để trình diện và nghe những giáo điều "trên trời dưới đất".
Tình hình chiến sự lúc bấy giờ tại quê tôi đang diễn biến khá phức tạp. Chúng tôi bị tập trung trở lại. Những tin tức về những trận đánh ở Hào Đề, Kinh 7, Ô Long Vỹ giữa lực lượng huyện đội Châu Phú phối hợp cùng tỉnh đội An Giang ngày một nổ lớn và sớm lan rộng khắp nơi mặc dù loa phóng thanh hàng ngày thông báo những tin tức hoàn toàn ngụy biện. Dù có bao che như thế nào thì những thông tin vẫn rò rỉ và đến mức độ không thể khỏa lấp.
Sáng sớm ngày 19.2.1978, đài tuyền thanh huyện Châu Phú thông tin "Lực lượng tỉnh đội An Giang phối hợp cùng huyện đội Châu Phú mở cuộc càn quét vào sào huyệt "Hào Đề" diệt gọn những tàn quân. Quân và dân ta đã anh dũng bắn chết nhiều tên địch, trong đó có 3 tên đầu sỏ: Nguyễn Văn Đê, Lê Văn Vàng và Phạm Lương Dơn"
Bản tin này được đọc lại nhiều lần trong ngày. Nơi phần cuối của bản tin là thông báo cho đồng bào đến sân cờ huyện đội để nhìn mặt những "tên phản động". Trong trại tập trung lần đầu tiên sau gần 3 năm tôi được nghe nhắc đến tên Chú. Tim tôi như nhói đau, mắt hoa lên, trông vật gì cũng lờ mờ như lay động. Tôi ngồi quỵ xuống và cố ngăn những giọt nước mắt lăn dài trên má. Tôi ngồi bất động dù chung quanh tôi có đến hàng trăm người đang thì thầm bàn tán. Tôi như người mất hồn, lẩm bẩm: "Chú Phạm Lương Dơn ơi! Chú đã chết rồi sao? Ba ơi! Chú Dơn đã chết".
Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi được đưa đến sân cờ để xem thi hài những người quá cố. Riêng đối với chánh quyền Cộng Sản, đây là dịp để họ răn đe chúng tôi và thị uy hầu chận đứng tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của đại đa số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.
Xác các chiến sĩ đã hy sinh đen xạm vì nắng gió cạnh 3 chiếc quan tài đơn sơ. Tôi cố giương mắt thật to để nhìn Chú lần cuối. Tim tôi hồi hộp và niềm tin loé lên trong tâm não: 3 chiến sĩ nằm đó không có Chú. Điều này được xác định rõ ràng qua một số người có mặt trong đó có những người đã từng chiến đấu bên cạnh Chú trước ngày 30.4.1975.
Tôi rất lấy làm mừng vì Chú đã thoát nạn, song không biết những gì đã xảy ra cho Chú và nhất là hiện tại Chú có bị sa cơ hay không? Tôi luôn nguyện cầu cho Chú được bình an.
Cuối năm 1981, sau hơn 6 năm trong lao tù Cộng Sản, Ba Tôi được trả tự do. Bây giờ ông đã già trước tuổi, khuôn mặt cương nghị ngày nào đã bị tàn phai cùng năm tháng. Chúng sốt rét kinh niên luôn đeo bám bên mình Ba Tôi là kết quả của những ngày làm quen với muỗi mòng vùng kinh tế mới Tám Ngàn. Sức khỏe giờ đã cạn kiệt nhưng Ba Tôi luôn nhắc đến "Chú Dơn" như muốn ôn lại những kỷ niệm hào hùng thời binh lửa. Cuối cùng Ba Tôi không còn gặp lại Chú vì Người đã qua đời sau đó ít năm trong cơn bạo bệnh.
Tháng 10 năm 1988, trước ngày tôi vượt biên không lâu, tình cờ tôi gặp lại Chú Hải, người mà trước đây đã từng là lính Nghĩa Quân thuộc Trung Đội CHD 160 của Chú Phạm Lương Dơn. Qua câu chuyện trao đổi và chính Chú Hải đã xác nhận với tôi là vào năm 1978, trong trận đánh ở Hào Đề, Chú Dơn mà Chú Hải gọi là Anh Sáu đã may mắn thoát nạn và Chú đã hiên ngang dẫn khoảng 10 người còn lại vượt vòng vây của địch băng rừng tràm. Đi vào vùng hiểm trở Thất Sơn trước khi vượt biên giới sang Campuchia tiếp tục kháng chiến.
Hôm nay, ngồi đây viết những dòng hồi ký này, chắc Chú đã vĩnh viễn nằm sâu trong lòng đất ở một nơi nào đó thuộc vùng giang sơn biên trấn. Nơi đó, lúc sống Chú luôn luôn kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Lúc đất nước lật sang trang, Chú lại tiếp tục chiến đấu đến giờ phút 100 của cuộc chiến. Chú thật anh hùng đúng nghĩa. Chú đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Đức Huỳnh Giáo Chủ trong Tứ Đại Trọng Ân. Chú đã làm tròn ơn Đất Nước của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, thực hiện đúng nghĩa câu "Bảo Quốc An Dân" của một chiến sĩ Bảo An Hòa Hảo:
"Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa.
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Đền ơn nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật đà nam mô".
Xin thành tâm nguyện cầu hương linh Cố Trung Đội trưởng Nghĩa Quân CHD 160 Phạm Lương Dơn, người anh hùng của núi rừng Châu Đốc sớm được siêu thoát. Một lần nữa xin ngưỡng phục người "Bạn của Ba Tôi", một chiến sĩ Nghĩa Quân dũng cảm đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
South Australia mùa đông 2014
Nguyễn Thanh Huyền